Headlines
Loading...
Cái nhìn toàn diện

Cái nhìn toàn diện


Cái nhìn toàn diện
Trong một cuộc viếng thăm Bra-zin, Đức Gioan Phaolô II đã đến thăm khu ngoại ô nghèo của thành phố Belo Horizonte. Cảm kích trước mối chân tình của dân chúng và nhất là nhìn tháy tận mắt nỗi khổ cực của họ, trong một giây phút xúc động, ngài không biết làm gì hơn là trao tặng cho chiếc nhẫn vàng trên tay.
Sau chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha, người dân ở đây đã họp nhau xem phải xử trí thế nào về chiếc nhẫn vàng này. Báo chí và nhiều người tự cho mình là thức thời đã đề nghị họ bán chiếc nhẫn lấy tiền chia cho nhau. Thế nhưng xem chừng những người nghèo không chỉ cần cơm bánh, tiền bạc, họ còn khao khát một cái gì khác. Do đó, sau khi bàn tính, họ quyết định cất giữ chiếc nhẫn vàng ấy trong ngôi nhà nguyện đơn sơ của họ, như một gia tài mà họ sẽ để lại cho con cháu.
Một trong những ý thức mà con người thời nay đạt được, đó là ý thức về nhân quyền, về công bằng xã hội, về tình liên đới với người nghèo khổ. Với ý thức đó, nhiều người đã trách Đức Gioan Phaolô II không thực tế khi trao tặng những người nghèo môt báu vật tượng trưng, chứ không phải một sự giúp đỡ cụ thể. Nhiều người có lẽ cũng chê thái độ của người nghèo: bán chiếc nhẫn để chia cho nhau có thực tế hơn không? Một cách tương tự có lẽ nhiều người cũng không tiếc lời phê bình việc xây cất, sửa chữa nhà thờ, trong khi biết bao người chết đói, sống lây lất không nhà không cửa. Chúng ta có thể nhân lên không biết bao nhiêu thí dụ về cái ý thức cho người nghèo ấy.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn chúng ta có cái nhìn toàn diện về cuộc sống, về những biến cố xảy đến cho con người. Nhân sự kiện một Biệt phái nại đến luật thanh tẩy của người Do thái để bắt bẻ Ngài không rửa tay trước khi dùng bữa, Chúa Giêsu đã đưa ra một cái nhìn sâu sắc về cuộc sống: nếu chỉ lau rửa bên ngoài mà lòng lại đầy xấu xa thì đó chỉ là giả hình. Nhưng nói thế, Chúa Giêsu không có ý biện minh cho cái luân lý ý hướng, theo đó nhiều người chỉ nghĩ đến mục đích tốt mà không hề áy náy về những phương tiện xấu đang sử sụng, hoặc nhiều người chỉ có ý hướng tốt mà không bao giờ giơ ngón tay để thi hành. Điều Chúa Giêsu muốn nói là cần phải có sự thống nhất trong ý hướng và hành động, cần phải có sự hòa hợp giữa đức tin và việc làm. Đi xa hơn, chúng ta có thể nói Chúa Giêsu không muốn tách biệt giữa cái bên trong với cái bên ngoài, cái thánh thiêng với cái phàm tục.
Thiên Chúa quan tâm đến cái bên trong lẫn bên ngoài. Cái nhìn của Thiên Chúa là cái nhìn toàn diện. Đối với Ngài, tất cả mọi cái, dù tầm thường, phàm tục, cũng đều mang một giá trị cao cả, giá trị của một bí tích. Con người không chỉ gặp gỡ Thiên Chúa qua các bí tích, qua cử hành phụng vụ, mà còn gặp Ngài trong mọi sinh hoạt cuộc sống. Cuộc sống trong từng phút giây đều mang một giá trị vĩnh cửu và lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa. Nói thế không có nghĩa là những sinh hoạt đạo đức sẽ trở thành vô ích. Người nghèo cần được vật chất, nhưng điều đó không có nghĩa là họ chỉ cần cơm bánh. Cũng thế, cuộc sống đức tin không chỉ gồm kinh kệ, biểu dương tôn giáo, mà còn phải thể hiện bằng việc làm cụ thể trong cuộc sống hàng ngày. Ngược lại, cuộc sống đức tin ấy cũng không chỉ là những thể hiện hoạt động xã hội, mà còn phải được nuôi dưỡng bằng Phụng tự, Bí tích, sinh hoạt tôn giáo.
Một cái nhìn toàn diện để thấy được cái thánh thiêng trong cái phàm tục, một đức tin được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện, Bí tích và thể hiện bằng việc làm cụ thể, đó phải là cái nhìn và thái độ sống của người kitô hữu.
Chân Lý