'Hơn một năm rồi nhưng bộ quần áo và khăn mặt của anh, em vẫn gói trong nilon không dám giặt vì sợ mất mùi mồ hôi của anh', bà Hà viết.
Suốt 2 năm qua, kể từ ngày chồng đi cứu trợ người dân vùng lũ và tử nạn, nỗi đau của bà Phạm Thị Hà (quê Hưng Phú, Hưng Nguyên, Nghệ An) chẳng thể nguôi ngoai. Chồng bà là ông Nguyễn Tài Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương Nghệ An, người tử vong khi đang trên đường cứu trợ đồng bào vùng lũ.
Mùa bão lụt tháng năm 2013, mưa lũ bao vây, cô lập, sinh mạng của hàng vạn người dân Hoàng Mai - Quỳnh Lưu bị đe dọa. Ông Nguyễn Tài Dũng nhận lệnh điều động đi cứu trợ lũ lụt và tức tốc lên đường. Bà Phạm Thị Hà, vợ ông, vẫn nhớ như in những khoảnh khắc cuối cùng bà được sống cùng chồng.
“Buổi trưa, tôi làm món mướp đắng xào thịt, anh ấy ăn khen ngon. Ăn xong anh vào phòng nghỉ tranh thủ chợp mắt chiều đi làm, tôi dọn dẹp đồ đạc. Đầu giờ chiều anh ấy ngủ dậy, bị tiểu đường nên thường xuyên phải ăn ổi, chồng tôi ăn nửa quả còn một nửa anh để trên bàn dành phần tôi. Bữa tối hôm đó, anh ấy không về ăn cơm nhà, mà điện thoại về, bảo anh bận đi tiếp khách cơ quan, sau đó ở lại đơn vị bốc mì tôm chở đi cứu đói cho bà con Hoàng Mai”, bà Hà kể.
Bà Phạm Thị Hà, vợ ông Nguyễn Tài Dũng đau đớn trong tang chồng.
Khuya rồi chồng vẫn chưa về, lòng dạ bà nóng như lửa đốt, bà cứ hoảng hốt đi ra đi vào. Ngoài trời, gió giật từng cơn, mưa như trút. Đoàn cứu trợ lũ lụt của Sở Công thương Nghệ An ra đến thị xã Hoàng Mai, lũ đã băng qua chắn ngang đường quốc lộ 1A.
Giữa đêm tối, chiếc xe chở ông Nguyễn Tài Dũng lạc đường, bánh xe sa vào cống thoát nước. Dòng nước xiết đẩy chiếc xe trôi vào một lối nhỏ giữa hai bức tường nhà dân, trôi ra dòng Mai Giang rồi mất hút giữa bốn bề mênh mông nước. Lái xe thoát được ra ngoài, còn ông Dũng mắc kẹt ở trong.
Đến sáng ngày 2/10, lực lượng cứu hộ phát hiện chiếc xe bị nạn mắc kẹt dưới mũi chiếc phà đậu trên dòng Mai Giang. Trục vớt xe ôtô lên bờ, người ta tìm thấy thi thể Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Tài Dũng nằm lẫn lộn giữa hàng trăm gói mì tôm và nước khoáng.
Ông Nguyễn Tài Dũng sinh năm 1962, nguyên quán tại xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương; bà Phạm Thị Hà kém chồng 2 tuổi, quê Hưng Phú (Hưng Nguyên, Nghệ An). Những năm bà Hà làm công nhân Nhà máy dệt Minh Khai, thành phố Vinh, ông Dũng là quản đốc phân xưởng may.
“Chúng tôi cưới nhau năm 1987, vừa cưới được 2 tháng, lúc tôi mang bầu đứa con đầu lòng Nguyễn Tài Vinh thì cũng là lúc anh Dũng nhận được giấy gọi đi học ở Nga. Suốt 7 năm học, anh ấy được về thăm nhà 4 lần và tôi lại có thêm bé Nguyễn Tài Tuấn. Năm 1997 anh về nước, ngay sau đó chồng tôi lại được cử đi học 3 năm tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”, bà Phạm Thị Hà kể.
Sáng 2/10, lực lượng cứu hộ phát hiện ra chiếc xe cùng thi thể của ông Dũng.
Lấy chồng năm 23 tuổi, vừa bước chân về làm dâu thì chồng biền biệt trời Âu. Tuổi xuân thì, Phạm Thị Hà cô quạnh thay chồng nuôi con. Suất lương công nhân san sẻ cho 3 người, mẹ con bà đã trải qua những tháng ngày rất vất vả. Buồn tủi nhất là những ngày giáp Tết hay những hôm mưa gió, căn nhà thiếu người đàn ông trụ cột trở nên trống vắng, buồn khổ.
Năm 2008, ông Nguyễn Tài Dũng được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở Công thương. Bà Hà xin nghỉ hưu, dành hết tâm trí cho việc nội trợ, giúp chồng con. Sau nhiều năm dành dụm, tích góp, vợ chồng bà xây được một căn nhà thuộc hạng bình dân, sâu hun hút trong ngõ số 6, đường Hồng Bàng, thành phố Vinh.
Trước ngày ông Nguyễn Tài Dũng mất, cái giường cưới cũ nát của vợ chồng ông vẫn chưa kịp thay mới. “Anh ấy bảo, cứ nằm giường cũ cho nhiều... kỷ niệm. Vật chất cũng quan trọng, nhưng nếu không có nhiều của cải, vợ chồng mình vẫn cứ thương nhau”, trân trối nhìn cửa ra vào, bà Phạm Thị Hà dường như đang cố tìm lại ký ức, tìm bóng dáng người chồng quá cố.
Thấu hiểu những thiệt thòi của vợ trong quãng thời gian 10 năm ông biền biệt xa nhà, bà Hà hy sinh tuổi xuân cho chồng, cho con, ông Nguyễn Tài Dũng cũng đáp trả bằng sự chăm chút, thương yêu mái ấm gia đình. Cọc cạch chiếc xe máy đi làm, dường như ông Nguyễn Tài Dũng là một trong những số ít Phó giám đốc Sở chưa sắm được ôtô riêng.
Bà Hà kể: “Có đêm không ngủ được, hai vợ chồng cứ hàn huyên hết chuyện quê đến việc cơ quan, công sở. Anh ấy bảo, dạo này sức anh yếu rồi, tiểu đường, mỡ máu, anh ấy sẽ chết trước. Tôi khóc, không cho anh nói nữa, bảo: 'Nếu phải ra đi em sẽ đi trước anh, anh còn có nhiều việc phải làm, anh ở lại với con”.
Tin chồng tử nạn trên đường cứu trợ người dân vũng lũ giáng xuống căn nhà nhỏ như một tiếng sét. “Tất cả, cứ như một giấc mơ. Đúng hơn, đó là một cơn ác mộng”, bà Hà run lên vì xúc động. Trên bàn thờ, kim đồng hồ nằm lặng ở thời điểm 22h17 phút, ngày 1/10/2013 định mệnh. Kể từ đó những đêm dài tiếp nối, bà Hà luôn sống trong khắc khoải nhớ thương, có lúc hoảng loạn, có lúc lịm ngất.
Sông Hoàng Mai (Mai Giang), nơi ông Dũng gặp nạn.
Sau khi ông mất, bà vẫn đều đặn đăng tải những dòng nhật ký yêu thương cảm động trên Facebook của chồng:
“Anh ạ, dù em đã xa anh rồi và sẽ mất anh mãi mãi nhưng anh cũng đừng lo nhiều, em nguyện sẽ thay gánh vác mọi việc anh để lại. Mặc dù em suy sụp đớn đau, nhưng em phải gồng mình để sống vì nhiều việc phải lo phải không anh? Chờ em anh nhé!”; “Đêm nay em sẽ không ngủ để thức cùng anh và sưởi ấm cho anh”.
“Anh yêu! Ngoài trời giờ không mưa nữa rồi chắc anh không lạnh nữa. Anh cứ thanh thản ra đi. Em tuy không còn anh ở bên chia sẻ động viên nhưng em sẽ cố gắng sống để lo công việc, anh hãy tiếp sức cho em, anh nhé. Bây giờ, em vừa làm mẹ vừa làm cha để lo cho gia đình khi không còn anh nữa. Anh có biết em cô đơn lắm không. Những đêm mưa gió bão bùng một mình em trong căn phòng và những ngày lễ mọi người có đôi có cặp còn em thui thủi một mình. Từ lúc không còn anh bên cạnh em hầu như ở trong nhà không muốn đi đâu".
“Em bảo không được khóc và không khóc, thế mà nước mắt sao cứ tuôn trào không ngăn được. Anh yêu! Mùa này là mùa bão lụt anh hãy phù hộ cho dân mình đừng bão lụt nữa và đừng bao giờ có cảnh chia lìa mẹ mất con vợ mất chồng, các con thì mất cha. Cảnh này mong rằng đừng có ai phải chịu nữa”.
“Anh yêu! Ngày này của năm ngoái mọi người sắp đưa anh về qua nhà lần cuối, sau đó đưa anh về đất mẹ Thanh Chương, nơi đó còn có mẹ già đang ngày đêm mong nhớ anh. Rồi đất mẹ sẽ ôm anh vào lòng ru anh ngủ ngàn thu. Anh ra đi thanh thản, mọi người luôn nhớ anh và em sẽ là người bên anh mãi mãi. Chúc anh ngủ ngon trong đất mẹ yên lành quên đi nỗi nhọc nhằn chốn dương gian!”.
Những đêm nhớ chồng đến quặn thắt, nhìn di ảnh của chồng, trong căn nhà trống trải bà Phạm Thị Hà lại khóc: “Anh yêu! Ngoài trời mưa rơi tí tách bầu trời đen kịt, đã hơn 3h sáng em không ngủ được, xung quanh làng xóm thì im ắng quá em buồn quá nên em lại nói chuyện cùng anh đây. Mong rằng khi nói chuyện cùng anh thì giấc ngủ sẽ đến để em quên đi mọi khổ đau trên trần gian này. Khi chúng mình còn ở bên nhau những lúc em buồn hay không ngủ được anh thường hát ru, ru như đứa trẻ, thế là em lại ngủ ngon lành. Những lúc không ngủ, bao nhiêu kỷ niệm lại ùa về, em làm sao mà quên được anh”.
“Anh yêu! Giờ khắc giao thừa đã đến em đã làm xong mâm xôi gà cúng Tiên tổ và anh. Lòng quặn đau, xót xa cho số phận, nước mắt cứ thay nhau tràn làm nhòa mắt em. Đứng trước di ảnh anh mà em không thể tin nổi là anh đang ở đó mỉm cười với em. Anh ơi, biết đến bao giờ cho lòng em nguôi ngoai, càng ngày em càng nhớ thương anh nhiều hơn, anh yêu ạ”, bà viết ngày ngày 19/2/2014.
“Hơn một năm rồi nhưng bộ quần áo và khăn mặt của anh em vẫn gói trong bao nilon không dám giặt, vì sợ mất mùi mồ hôi của anh. Những đêm khó ngủ em thường mang ra để tìm lại hơi ấm của anh, để em đi vào giấc ngủ nhưng đêm nay dù làm gì cũng không ngủ được, nhắm mắt lại là cứ thấy có ai đó nhìn em. Có phải anh không anh?”.
Từng ngày, từng ngày, bà Hà lại trải tình cảm, tâm hồn mình cùng chồng như thế…
Theo Tiền Phong
Tags:
Đời Sống