KI-TÔ GIÁO CÓ MỘT NỀN LUÂN LÝ RIÊNG KHÔNG ?

(Thời sự Thần học – Số 2, tr. 6-11) 

Bình hoà

Theo Công Đồng Va-ti-ca-nô II, Thần học luân lý không thể giới hạn vào việc giải nố (casuistique), quyết định những hành vi nào có tội hay không có tội, nhưng cần phải được trình bày thành một hệ thống khoa học có mạch lạc, dựa trên Mạc Khải (Thánh Kinh, Thánh Truyền), cũng như biết đối thoại với các khoa học hiện đại về con người. 
Trong bài này, chúng tôi xin trình bày một trong những vấn đề nóng bỏng nhất được nêu ra từ thập niên 1970, đó là: có một nền luân lý Ki-tô giáo hay không? Chúng ta sẽ xét tới những nhân tố nào đã gợi lên vấn đề ấy cũng như những giải đáp của thần học Công Giáo, đặc biệt là rút từ chính những văn kiện của Công Đồng Va-ti-ca-nô II. 

Nguồn gốc vấn đề

Một trong những yêu sách của suy tư thần học luân lý là phải dựa trên Mạc Khải. Thế nhưng có người đặt câu hỏi: ta có thể tìm thấy trong Mạc Khải một giáo huấn về luân lý hay không, hoặc Mạc Khải chỉ chứa đựng những chân lý đức tin ? 

Phải thú nhận rằng các sách giáo khoa về luân lý dùng trong các chủng viện cho đến Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã mặc nhiên hay minh thị cho rằng Mạc Khải Ki-tô giáo không có chứa luân lý nào riêng biệt cả. Thực vậy, nội dung luân-lý-học trình bày trong các sách ấy trình bày 10 điều răn, coi như là những điều thuộc luân lý tự nhiên đã được ghi khắc trong tâm khảm con người. 

Trong các thủ bản vừa nói, không có chỗ cho các nhân đức đối thần (tin, cậy, mến); các linh ơn của Chúa Thánh Thần và các lời khuyên Tin Mừng thì dành cho khoa tu-đức-học, giúp cho những ai muốn nên trọn lành, chứ không buộc tất cả các tín hữu. Nếu như có nói đến các nhân đức, thì người ta đi tìm khái niệm nơi các sách Đạo-đức-học của Aristote hay của Cicéron, chứ không phải từ Kinh Thánh. Cách riêng về nhân đức công bằng, các tác giả tìm chất liệu nơi các bộ dân luật hay giáo luật.

Vô tình hay hữu ý, chính các tác giả ấy đã tiếp tay cho những luồng tư tưởng chủ trương rằng không có một nền luân lý riêng của Ki-tô giáo, mà chỉ có một luân lý tự nhiên của con người mà thôi : và chính đó là luận đề của thuyết Mác-xít và thuyết hiện sinh. Cả hai muốn xây dựng một nền luân lý phi-tôn-giáo, nghĩa là không cần phải quy chiếu về Thiên Chúa; thậm chí họ nói rằng luân lý chân chính là luân lý lấy con người và xã hội làm nền tảng.

Thực vậy, Marx đã đả kích tất cả các nền luân lý dựa trên tôn giáo. Do ảnh hưởng của Hegel, Marx coi tương quan của con người với Thiên Chúa cũng như tương quan giữa nô lệ và chủ nhân; và do ảnh hưởng của Fuerbach, Marx cho rằng tôn giáo gây ra cho con người ảo tưởng sẽ được phần thưởng ở đời sau, nên không cần phải vùng lên chống lại những bất công của xã hội. Từ hai tiền đề ấy, Marx kết luận rằng cần phải giải thoát con người khỏi những ảo tưởng do tôn giáo gây ra; cần phải xây dựng một nền luân lý dựa trên những tương quan xã hội : cái gì mà góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng xã hội là tốt. 

Thuyết hiện sinh của Sartre thì nói rằng nếu mà Chúa hiện hữu thì tôi mất tự do. Bởi vậy nếu tôi muốn được tự do, thì cần phải loại Chúa đi. Bởi thế, cần phải xây dựng một thứ luân lý tự trị. Thế nhưng, ai sẽ quyết định cái gì là trái, cái gì là phải ? (Bởi vì ai cũng muốn được tự do, và đâu ai chịu người khác giới hạn tự do của mình !) Sartre trao cho nhóm (groupe) vai trò hòa hợp các ý chí cá nhân, để tạo ra một ý chí chung. 

Như vậy, một khi mà hai thuyết Mác-xít và hiện sinh chối bỏ hết mọi nền luân lý dựa trên niềm tin tôn giáo, thì đương nhiên họ cũng chối bỏ cả luân lý riêng của Ki-tô. Lý do của sự phủ nhận chính là thuyết vô thần của họ. Hơn nữa, sự phủ nhận một luân lý riêng của Ki-tô giáo cũng xuất phát từ chính một số nhà thần học, vì những lý do sau đây. 

Những câu trả lời

Trên đây, chúng tôi đã nói đến một nguyên nhân phủ nhận (ít là cách mặc nhiên), về phía một số nhà thần học Công Giáo khi họ chỉ xây dựng luân lý của họ trên 10 điều răn mà họ coi là thuộc về luật tự nhiên. 

Chúng ta còn thấy một số nhà thần học Tin Lành cũng phủ nhận luân lý Ki-tô, nhưng với những lý do khác. Luther nhấn mạnh đến sự cần thiết của đức tin để được cứu độ, vì vậy ông không quan tâm đến phần luân lý, vì sợ rằng con người sẽ cậy dựa vào những công nghiệp của mình hơn là vào ơn Chúa để được nên công chính. Nên biết là đối với Tin Lành nói chung, luật tự nhiên không có giá trị lắm, bởi vì, do tội lỗi, bản chất con người đã bị sa đọa, vì vậy mà đã trở nên mù quáng và yếu ớt, không thể nhận định và tuân hành luật tự nhiên được nữa. 

Trong hậu bán thế kỷ 20 này, người ta nhận thấy có những cố gắng nhằm xét lại thái độ đó, nhưng những người này lại chịu ảnh hưởng của thuyết hiện-sinh, hiện-tượng-luận, nên kết luận không mấy thay đổi. 

Chẳng hạn như Rudolf Bultmann nói rằng cốt yếu của luân lý Ki-tô giáo hệ tại việc thương yêu tha nhân, và vì thế không có gì mới lạ hết; chỉ có điều là người Ki-tô thực hành bác ái như thái độ tuân phục giới răn của Chúa truyền. 

Dietrich Bonhoeffer thì cho rằng người Ki-tô phải bắt chước Thầy mình, biết từ bỏ chính mình, sống lăn lộn hòa đồng giữa đời, chia sẻ những vấn đề của con người, sống cho tha nhân để cải thiện những tương quan xã hội cho có tính cách nhân bản hơn. 

Paul Tillich cũng quả quyết tương tự như vậy: luân lý đặc trưng của người Ki-tô hữu hệ tại tiêm nhiễm thêm nguồn hy vọng cho con người, giúp cho con người có nghị lực và can đảm để sống. 

Về phía các nhà thần học Công Giáo sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II, vào dạo thập niên 70, khi đặt lại vấn đề một cách rõ ràng, một số tác giả cũng phủ nhận một nền luân lý riêng biệt của Ki-tô giáo. 

Thí dụ : Ambrogio Valsecchi cho rằng Tân Ước không có đề ra một bộ luật mới, gồm những điều phải làm hay phải tránh. Tân Ước chỉ cho ta một động lực mới, đó là : hãy đảm nhận trách nhiệm trong cuộc đời, đừng sống ích kỷ cho riêng mình nhưng hãy sống theo bác ái. Còn việc tìm ra điều gì là phải, điều gì là trái thì con người phải tìm kiếm học hỏi qua các khoa học tâm lý, xã hội. 

Trình bày một cách mạch lạc hơn, Joseph Fuchs phân biệt hai chiều kích của hành vi luân lý: chiều kích siêu việt (transcendental) và chiều kích phạm trù (catégorial). Mỗi khi, con người hành động quy chiếu về những giá trị siêu việt, chẳng hạn vì yêu mến Chúa, vì theo gương Chúa, thì dưới khía cạnh siêu việt này, ta có thể nói được là có nền luân lý Ki-tô. Còn xét về phạm trù, tức là xét về chất lượng của từng hành vi, tỉ như công bằng, thành thực, thì luân lý Ki-tô không có gì khác với các nền luân lý của nhân loại. 

Có lẽ cũng nên nói qua những lý do và hậu quả khiến cho các nhà thần học không muốn nói đến một nền luân lý riêng của Ki-tô giáo. Phải nhận rằng một số người mang đầu óc phản kháng, nghĩa là vì họ chống đối quyền Giáo Huấn của Hội thánh. Theo đó, nếu Chúa Giê-su hoặc các thánh tông đồ đã không muốn tạo ra một nền luân lý mới, thì Giáo Hội lấy quyền gì mà đòi dạy dỗ về luân lý ? Việc xác định điều phải điều trái là do sự học hỏi tìm hiểu, dựa vào các khoa học nhân văn (xã hội. tâm lý, lịch sử,...). 

Tuy nhiên, ngoài lý do ngấm ngầm nơi một số tác giả, chúng ta phải nhận rằng mối ưu tư chính của những người phủ nhận một nền luân lý riêng của Ki-tô giáo là sự đối thoại với văn hóa thời đại. Dù là do ảnh hưởng mác-xít hay hiện sinh đi nữa, văn hóa thời đại vẫn luôn đề cao con người, đề cao những giá trị nhân bản. Vì thế người ta e ngại rằng nếu chủ trương một nền luân lý riêng của Ki-tô giáo thì sẽ mang tiếng là phi-nhân. Chính vì thế mà người ta muốn trình bày Đức Ki-tô như là kẻ đến để giúp con người sống cho ra người hơn, kẻ đề cao phẩm giá của con người. 

Thực ra vấn đề này không phải chỉ là một chuyện đấu lý nhà trường bên Âu Tây, nhưng rất là thiết thực đối với Việt Nam. Chúng ta đã chẳng thường hay nghe nói rằng "đạo nào cũng khuyên người ta ăn ngay ở lành" đó sao? Chúng ta cũng đã chẳng thường đọc hay nghe những so sánh giữa các thập giới của Ki-tô giáo với ngũ giới của Phật giáo, hoặc so sánh tam cương ngũ thường của Khổng giáo với các nhân Đức Ki-tô giáo đó sao? Có gì mới lạ hay khác biệt giữa luân lý Ki-tô giáo so với luân lý của các tôn giáo khác? 

Chúng tôi sẽ trình bày những câu trả lời, dựa từ các văn kiện của Công Đồng Va-ti-ca-nô II, và nhất là sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo mới xuất bản, và chúng ta sẽ thấy rằng các soạn giả đã lấy lại quan điểm của thánh Tô-ma về luân lý Ki-tô giáo. Ở đây, chúng tôi chỉ ghi nhận một vài nhận xét như sau: 

1) Quan niệm về thần học luân lý : nhiều người vẫn còn quan niệm rằng luân-lý-học là khoa giúp cho con người ăn ngay ở lành, hay nói cụ thể hơn, tránh phạm tội trọng kẻo sa xuống hỏa ngục. Còn phần nhân đức thì không được bàn trong phần luân-lý nhưng dành cho tu-đức-học, (thuộc về các lời khuyên chứ không buộc). 

Nhưng thử hỏi cái nhìn như vậy có phản ánh trung thực ý định của Đức Ki-tô hay không ? Lời mời gọi "các con hãy nên trọn lành" đâu có phải chỉ dành cho một thiểu số ! Bài giảng trên núi, cách riêng là tám mối phúc thật, là những yêu sách phải thực hiện để vào Nước Trời, chứ đâu phải là nhiệm ý ! Dù sao chăng nữa, ba nhân đức Tin-Cậy-Mến là cần thiết để được cứu độ chứ không phải là xa-xỉ-phẩm. 

2) Sứ điệp của Đức Ki-tô. Quả thực là nhiều lần Đức Ki-tô đã lặp lại những điều răn của luật cũ. Nhưng giả như Ngài không nhắc tới, thì có lẽ nhiều người đã bỏ quên luôn. Chúng ta lấy một tỉ dụ : sự chung thủy vợ chồng. Đây không phải là điều mới lạ xét vì đã ghi từ sách Sáng Thế; thế nhưng phải nhìn nhận rằng, trong lịch sử nhân loại, chính Ki-tô giáo đã khôi phục lại chế độ nhất phu nhất phụ, đang khi mà các xã hội cổ truyền (kể cả tại Việt Nam) coi việc đa thê là thường tình. Đó không phải kể là điều mới đó sao? 

3) Ai cũng biết rằng trọng tâm của luân lý là yêu thương. Xét về nội dung thì xem ra không có gì khác biệt giữa luân lý Ki-tô giáo với các nền luân lý khác. Thế nhưng, chúng ta đừng quên rằng thánh Gio-an đã gọi giới răn thương yêu mà Chúa Giê-su truyền cho các môn đệ là mới : mới, bởi vì tiêu chuẩn yêu thương là chính Chúa Giê-su : chúng ta phải yêu thương như chính Ngài đã yêu thương, nghĩa là ban chính mạng sống vì người mình yêu; hơn thế nữa, phải yêu thương như chính Thiên Chúa yêu thương nhân loại đến nỗi đã ban Con một mình để cứu chuộc họ. Nghĩa vụ tha thứ cho kẻ thù bắt nguồn từ tiêu chuẩn ấy: cũng như Chúa đã tha cho chúng ta. 
Previous Post Next Post