Tu là cõi phúc?
Đi tu là theo Ơn gọi vào bậc riêng
để làm việc Chúa, cũng như lập gia đình là
một ơn gọi vào bậc chung của
loài người để yêu thương nhau, sinh sản con
cái, dạy chúng biết thờ phượng Chúa, để đời
sau, chúng được hưởng phúc Thiên đàng muôn
đời.
Người ta nói: “Tu là cõi phúc, Tình
là giây oan”. Có đúng không?
Thực ra tu là cõi phúc, mà tình cũng là cõi
phúc. Tu là giây oan, mà tình cũng là giây
oan. Tùy lối sống đường tu, đường tình, nếu
tu ra tu, tình ra tình.
Nhiều người đi tu lâu năm rồi cũng
bỏ ra (xuất), vì họ không thấy tu là cõi phúc.
Nhiều người lập gia đình lâu năm rồi cũng li thân,
li dị. Họ không thấy đường tình là cõi phúc.
Sao vậy?
Chỉ tại chữ “YÊU”. Vì tình yêu là yếu tố
chính không còn tác động trong họ nữa. Họ
tu mà không còn yêu Chúa, yêu các linh hồn
hăng say. Họ tình mà không còn yêu vợ, yêu
chồng mặn mà, nên một bên không đi trọn
đường tu, một bên không đi trọn đường tình.
Kết quả là rã đám:
Anh đi đường anh, tôi đường tôi,
tình nghĩa đôi ta có thế thôi,
Do đó người tu hay người tình rất cần “Làm
mới lại Tình yêu” luôn luôn. Người tu có
những phương thế là cầu nguyện, tĩnh tâm,
hi sinh…còn người tình cũng cần làm mới lại
tình yêu như thuở ban đầu mới yêu nhau
bằng trau dồi, chia sẻ, thông cảm…
4. Làm sao biết có Ơn gọi tu?
Chúa Giêsu không hiện ra gọi bạn như
Người đã gọi chàng thanh niên xưa:”Hãy về
bán những gì anh có, rồi đến theo tôi… (Mt
19,21), nhưng Người cho bạn những dấu
hiệu:
a- Người thúc đẩy lòng ham muốn:Chúa xui khiến rất hay. Một em bé đang vui
chơi, vô tư nhảy nhót, một ngày nào đó, tự nhiên thấy muốn đi tu.
“Hồi còn nhỏ, tôi và thằng bạn trong Đoàn
Thiếu Nhi Thánh Thể (ngày trước gọi là
Nghĩa Binh Thánh Thể) đi dự đám táng linh
mục chánh xứ chúng tôi mới qua đời. Chúng tôi
theo người lớn kiệu thi hài cha xứ đi quanh
làng trước khi đưa về chôn cạnh nhà thờ.
Mọi người trong xứ đi vào hàng ngũ hết.
Tôi chợt nói với thằng bạn: ” Đi tu khi chết
được chôn táng long trọng quá mày ơi, lớn lên
tao cũng đi tu.”. Tôi nói cách bâng quơ mà
không hiểu đi tu là thế nào.
Thế rồi lòng tôi cứ ngày càng muốn đi tu
hơn. Trong gia đình ông nội tôi, có 4 chú đã
đi tu. Sau này 2 chú đã làm linh mục. Tôi
thích đi tu đến nỗi, tôi có một ông anh họ,
ông ấy thử tôi:
“Nếu mày muốn đi tu làm cha thì để cho tao
véo đùi, không được kêu khóc, tao sẽ chắp
tay chào “Lạy cha”, nếu mày khóc thì không
đi tu được”. Ông ấy nói và làm thật, tay người
lớn véo đùi con nít, miếng thịt đùi tôi bầm
tím lại, nước mắt tôi dàn dụa, nhưng tôi nhất
định không kêu, không khóc. Thua cuộc, anh
phải chắp tay lại chào em theo kiểu trọng
kính thời trước: “Con xin phép lạy Cha ạ”.
Thế rồi tôi đi tu thật.
Chú tôi làm linh mục được cử về làm phó xứ
Lạc đạo (gp.Bùi chu). Xứ này cách xa xứ tôi gần một ngày
đi xe đạp. Thời đó, các linh mục coi xứ nuôi
ơn gọi bằng cách cho con trai đến ăn học tại
nhà xứ. Gia đình không phải tốn kém tiền
nuôi ăn cho con em, vì xứ nào cũng có tài
sản là ruộng lúa của nhà thờ.
Bố tôi cho tôi đi ở với cha chú Giuse Đoàn Ngọc San.
Một ngày đẹp trời, ngày tôi đi tu lúc lên 8.
Buổi sáng mẹ tôi nấu cơm cho tôi ăn bữa từ
giã, mẹ tôi luộc trứng, ăn vào sao nó nghẹn
ngào, đút lấy cổ không nuốt được, một nỗi
buồn man mác vì sắp xa gia đình. Bố tôi chở
tôi bằng xe đạp từ Xuân hà tới xứ Lạc đạo.
Tôi ngồi đàng sau bố tôi, đường dài thật dài,
bố tôi cũng buồn không nói gì, giống như
ông Abraham dẫn con đi sát tế!. Tôi khóc, và
khóc nức nở. Nhớ mẹ và các em kinh khủng,
lần đầu tiên xa gia đình.
Ở tại nhà xứ xa xôi, không bà con quen thuộc,
ăn uống khem khổ, cơm thì có, nhưng thức ăn
thì thường thấy quả sung kho với nước muối,
các thứ thịt cá để dành cho các cha, các cậu đứng
quạt hầu cơm, chỉ nuốt nước bọt.
Tôi là con cha phó, thường bị các cậu lớn con
cha xứ bắt nạt, (ăn hiếp). Đời tu không có gì vui,
nhưng không hiểu tại sao tôi không bỏ về, không có
một ý nghĩ bỏ về. Như vậy có phải là ngu không?
Sau này vì chiến tranh, chú tôi bỏ xứ An bài đi vào Nam (1953).
Tôi về lại với gia đình.
Vào miền Nam, năm 1955, gặp ông thầy quen rủ đi, tôi lại đi tu DKT ở An hồ, tỉnh Mỹ tho.
Cũng lại bố tôi dẫn tôi đi, nhưng lần này tôi đã 15 tuổi,
nên ít nhớ nhà hơn. Cuộc sống tu cũng nhiều khổ cực,
nhưng cũng không có lần nào tôi định bỏ về.
Chúa Đức Mẹ dìu dắt cách âm thầm và thật lạ lùng.
Thời gian làm đệ tử và tu sĩ tại DĐC, ở Thủ đức, tôi tu thật kỹ,
mười mấy năm dài, không màng chi những cảnh trôi nổi chung quanh…
Sau khi qua Mỹ, làm linh mục, tiếp xúc với nhiều
người, nhiều dịp cám dỗ…
Lúc này tôi mới thấy phải chiến đấu để bảo vệ đời tu.
Không thiếu những lần mồ hôi nhễ nhãi, trái tim nghẹt thở,
có khi rướm máu để trung thành với Ơn gọi.
Có những lúc phải bước đi trong dáng điệu mệt mỏi, đôi lần ngã sấp mặt xuống đất,
thánh giá văng ra bên cạnh. Nhưng ơn Chúa thật dồi dào, nhìn gương Thầy Chí thánh khi xưa,
tôi lại chỗi dậy, đi nốt con đường tu trì.
Đầy dẫy những tha thứ, những khuyến khích, những lời cầu, những quí mến, những
nâng đỡ từ Trời cao, từ nhiều người, từ nhiều dịp…
Nhiều khi trong đêm tối, trong căn phòng im lặng, một câu hỏi thầm kín bừng bừng nổi dậy: Tại sao tôi đi tu? Tại sao tôi không bỏ?
Nhưng lời an ủi của Chúa đến ngay trong đầu:
“Không phải con đã chọn Thầy,
nhưng chính Thầy đã chọn con, và sai con đi,
để con mang lại hoa trái, và hoa trái
của con tồn tại, để những gì con xin cùng
Cha nhân Danh Thầy, thì Người ban cho
con. Thầy truyền cho con thương yêu tha
nhân”(Gioan 15, 16-17).
Sóng gió, bão táp đã im lặng, tâm hồn lại được sưởi ấm.
Vâng, cảm ơn Chúa đã chọn con, dìu đắt con cho tới ngày hôm nay, đưa con đi bình an cả trong tai nạn, đau khổ, để con có thể nói: Chúa Mẹ thương yêu tôi cách đặc biệt hơn bao nhiêu bạn bè cùng trang cùng lứa. Giêsu Maria Giuse con tin cậy, con mến yêu. Xin làm những điều Các Ngài muốn. Xin cứu rỗi các linh hồn.
Trong đời tu, tôi sẽ không “cô đơn”, vì có 3 Đấng phù trợ trên đường lên núi Canvê, có Chúa trong Thánh Thể tăng sức mạnh giúp tôi đi đến cùng.
b- Người ban cho những tư cách cần thiết:
Để làm linh mục, Giáo luật khoản 241 đòi hỏi
như sau: “Giám mục chỉ nên nhận vào Đại
chủng viện những người nào, xét theo các
đức tính nhân bản và luân lý, đạo hạnh và
trí tuệ, sức khỏe thể lý và tâm lý cùng ý
muốn ngay thẳng của họ, được coi là có đủ
khả năng hiến thân trọn đời cho các tác vụ
thánh”.
Những tư cách để đi tu có thể gồm trong 7
chữ T sau đây:
T1/ Thể xác: Khỏe mạnh, không tật nguyền.
T2/ Trí khôn: Thông minh và chăm chỉ.
T3/ Tâm hồn: Thật thà, khiêm tốn, dễ vâng
phục, thích cầu nguyện.
T4/ Tôi: Bỏ mình, vác thập giá đời tu qua
nhiệm vụ.
T5/ Tình: Yêu Chúa, yêu các linh hồn, sống
đời độc thân. Tình Chúa thay tình đời.
T6/ Tiền: Ham nghèo hơn ham giầu.
T7/ Tiếng: Không vinh danh mình, nhưng
vinh Danh Chúa.
Nguồn: http://xuanha.net
Tags:
một thoáng suy tư